Thứ Bảy, 6 tháng 6, 2015

Cảnh giác túi nâng ngực vỏ trơn

Nhiều phụ nữ phẫu thuật nâng ngực với túi vỏ trơn có tỉ lệ tai biến lên đến trên 30%.

Một số kiểu túi đặt ngực đang được sử dụng ở VN - Ảnh: Thúy Anh
 
Theo TS Nguyễn Huy Thọ, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình và hàm mặt Bệnh viện 108, khảo sát trên 176 phụ nữ đã nâng ngực tại bệnh viện này từ năm 2005-2010 cho thấy kết quả đạt tốt là 75%, có biến chứng (nói chung) 25%, trong đó biến chứng sớm 4,5% gồm các biểu hiện chảy máu, nhiễm trùng, tụ dịch tại ổ nhận túi nâng ngực... sau mổ.
Biến chứng
TS Thọ cảnh báo trong số 13,1% trường hợp phẫu thuật nâng ngực có phản ứng co bao (phản ứng của cơ thể với chất lạ là túi nâng ngực, làm cứng và biến dạng ngực - PV), tỉ lệ có biến chứng ở nhóm sử dụng túi nâng ngực có vỏ trơn rất cao, lên đến trên 30%.
Trong khi nhóm sử dụng túi có vỏ nhám, tỉ lệ có biến chứng chỉ ở mức 3,4%. Từ kết quả khảo sát này, TS Thọ khuyến cáo cảnh giác với túi độn ngực có vỏ trơn, nên sử dụng túi vỏ nhám để hạn chế co bao.
Theo TS Trần Thiết Sơn, BV Xanh Pôn, khoảng 8-10 yếu tố ảnh hưởng đến việc có hay không hình thành bao xơ sau phẫu thuật nâng ngực, gồm chất liệu túi độn ngực, thời gian phẫu thuật, có dùng dao điện hay không, vị trí đặt túi độn ngực trước cơ hay sau cơ, có biến chứng chảy máu và phải đặt ống dẫn lưu sau mổ.
 
TS Sơn cho rằng túi độn ngực vỏ nhám là biện pháp chống lại hiện tượng co bao, ngoài ra phẫu thuật viên không dùng dao điện, đặt túi độn ngực sau cơ sẽ khiến tỉ lệ co bao sau mổ thấp hơn. Tại Bệnh viện Xanh Pôn, tỉ lệ này chỉ ở mức 0,3-0,5%.
Có đáng lo ngại?
Theo TS Thọ, tại Pháp đã có khoảng 30.000 phụ nữ đặt túi nâng ngực, tại Mỹ con số này lên tới 1 triệu, điều đó có nghĩa phẫu thuật nâng ngực là tương đối phổ biến. Về tỉ lệ có biến chứng sau mổ khá cao, tại Bệnh viện 108 lên tới 25%, TS Thọ cho rằng tai biến sau phẫu thuật nâng ngực ở VN cũng tương đương tỉ lệ ở các nước, các biến chứng sớm đều có thể được khắc phục bằng đặt ống dẫn lưu rửa ổ nhận hằng ngày.
Cách đây vài ngày, Bệnh viện 108 cũng có khách hàng nữ muốn nâng ngực nhưng ngực vẫn tiết ra sữa dù đã cai sữa trên hai năm. Những trường hợp này, TS Thọ cho rằng phải chọn đường mổ phù hợp tránh ảnh hưởng đến tuyến sữa. Ngoài ra, có 3/176 trường hợp được khảo sát bị lộ túi độn ngực sau phẫu thuật đặt túi nâng ngực do lớp mỡ dưới da quá mỏng, bệnh viện đã sử dụng biện pháp ghép tế bào mỡ vào khu vực lộ túi. Đây là biện pháp chưa từng được áp dụng trên thế giới, kết quả đã có hai trong số ba trường hợp này được sửa chữa biến chứng.
Về tỉ lệ biến chứng co bao - một biến chứng khá nặng và nhiều trường hợp phải mổ lại để đặt túi nâng ngực mới, TS Thọ cho biết tại Bệnh viện 108, sau khi khắc phục sử dụng túi vỏ nhám, tỉ lệ bị co bao đã giảm. Ngoài các chất liệu gel, dung dịch truyền bơm vào túi đặt tại ổ nhận, nhiều trường hợp có thể sử dụng túi độn ngực chất liệu mút xốp.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp làm đẹp quá đà bằng dùng silicon lỏng hoặc mỡ nhân tạo bơm trực tiếp vào vùng dưới da (mông, ngực, hông...) có tỉ lệ biến chứng nhiều hơn hẳn trường hợp nâng ngực bằng đặt túi độn ngực. Theo TS Sơn, trước tết vừa rồi đã có một bệnh nhân gặp biến chứng sau khi bơm silicon lỏng phải cắt toàn bộ ngực. “Nhưng hình như họ vẫn không sợ” - TS Sơn băn khoăn.
 
Theo Lan Anh - Tuổi trẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons