Sụp mi là một thuật ngữ y học dùng để chỉ sự sa hay sụp xuống của mi trên mắt, có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên mắt, ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân của sụp mi có thể là do: bẩm sinh, chấn thương, các phẫu thuật ở mắt hoặc do các bệnh lý thần kinh, bệnh của cơ hay các bệnh toàn thân khác như đái tháo đường…
Trong các nguyên nhân kể trên, sụp mi bẩm sinh thường gặp nhất, chiếm tới 75% trường hợp. Nguyên nhân của sụp mi bẩm sinh là do sự loạn dưỡng khu trú nguyên phát của các sợi cơ nâng mi làm số lượng các sợi cơ này giảm đi và thay thế bằng các tổ chức xơ.
Thông thường sụp mi bẩm sinh chỉ là đơn thuần nhưng cũng cần phân biệt với các trường hợp sụp mi là dấu hiệu đi kèm của nhiều bệnh toàn thân nên cần phải được khám mắt và toàn thân đầy đủ. Bệnh nhân bị sụp mi có tới 25% trường hợp bị nhược thị do mi che hoặc loạn thị do sụp mi gây ra.
Phẫu thuật điều trị sụp mi sẽ giúp tránh được tư thế cổ ngửa, mở rộng thị trường, dự phòng và điều trị nhược thị, phục hồi hình dạng thẩm mỹ của mi mắt. Thời gian và phương pháp phẫu thuật tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể theo mức độ sụp mi, chức năng của cơ nâng mi, bệnh nhân có nhược thị hay không… Ngoài ra, sau phẫu thuật, nếu phát hiện bệnh nhân bị nhược thị thì cần phải được điều trị đầy đủ nốt và theo dõi lâu dài.
Nhìn chung, phẫu thuật điều trị sụp mi mang lại lợi ích to lớn cho bệnh nhân không chỉ về mặt thẩm mĩ mà còn cả về phương diện chức năng (tránh được tư thế xấu như ngửa cổ hay nhăn trán để nhìn). Phẫu thuật còn mang lại lợi ích to lớn về tâm lí xã hội, giúp người bệnh tránh được tự ti mặc cảm, phấn khởi yêu đời hơn trong cuộc sống và học tập.
Tuy nhiên, vẫn còn một số biến chứng có thể xảy ra khi làm phẫu thuật nâng mi như: mi hai bên mắt không cân xứng như ý muốn, mất chức năng của mi gây hở mi khi liếc xuống dưới hay mắt nhắm không kín khi ngủ, mi vẫn còn sụp do chỉnh non hoặc chỉnh quá mức, mắt nhắm không kín gây loét giác mạc…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét