Một thân hình quá khổ dù mất bao công sức tập tành nhưng cũng không giảm khiến nhiều chị em chán nản.
Ăn uống, kiêng kỵ, tập luyện nhưng số cân vẫn không giảm theo mong muốn. Y học đã có những thử nghiệm thành công trong việc phẫu thuật đem lại vẻ đẹp cho chị em.
Cay đắng vì thu nhỏ thân hình
Trước đây, hút mỡ được nhiều cơ sở làm đẹp quảng cáo rầm rộ với khẳng định đem lại thân hình cân đối cho chị em quá khổ. Kỹ thuật này không phải lúc nào cũng đem lại một kết quả tốt đẹp.
PGS.TS.BS Trần Thiết Sơn, trưởng khoa phẫu thuật tạo hình (bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) kể rằng, để thu gọn vòng 2 quá khổ do tuổi tác và sinh nở, bệnh nhân Nguyễn Thanh T., 45 tuổi đã tới một thẩm mỹ viện với mong muốn “tút” lại cho gọn bằng phương pháp hút mỡ bụng. Nào ngờ, sau khi hút mỡ bụng có giảm nhưng phần da mềm mại được thay bằng miếng da cứng. Đó là hậu quả của việc hút mỡ không đúng kỹ thuật.
Nguyên nhân thường là do hút mỡ quá nông, ở lớp gần sát da, dẫn đến chảy máu và xơ dính. Bệnh nhân sẽ phải massage và vật lý trị liệu trong 2 – 3 năm thì thành bụng mới mềm dần, nhưng không thể được như trước đây.
Y học đã có những thử nghiệm thành công trong việc phẫu thuật đem lại vẻ đẹp cho chị em
“Những trường hợp như bệnh nhân T. không hiếm. Kỹ thuật này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai biến. Ngoài tình trạng cứng bụng, da lồi lõm, những người hút mỡ còn có thể bị thâm da do xuất huyết, da chỗ cứng chỗ mềm. Nghiêm trọng hơn, nếu bác sĩ hút không đúng vị trí làm tổn thương tĩnh mạch, các tế bào mỡ sẽ bị hút vào mạch máu, gây tắc nghẽn, có thể dẫn đến tử vong do nhồi máu tim, não”, BS Sơn cảnh báo.
Có hai loại phẫu thuật hút mỡ là hút mỡ khô và hút mỡ ướt. Hút mỡ khô là hút mỡ trực tiếp từ cơ thể. Hút mỡ ướt sẽ sử dụng kỹ thuật tiêm dung dịch nước vào phần cơ thể cần hút mỡ, làm cho các mô mỡ trương lên sau đó mới tiến hành hút.
Các chuyên gia về thẩm mỹ đưa ra một số lời khuyên cho chị em khi quyết định áp dụng kỹ thuật hút mỡ, tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra. Đó là chỉ nên đi hút mỡ nếu lượng mỡ thừa quá nhiều; không hút quá 1,5 lít mỡ ra khỏi cơ thể sau khi hút mỡ phải tuân thủ các quy định bác sĩ đưa ra như chế độ ăn uống, lao động, nghỉ ngơi, luyện tập phù hợp; không nên hút mỡ nhiều lần trong khoảng thời gian ngắn; đến hút mỡ tại những cơ sở có uy tín để nhận được tư vấn của bác sĩ…
Thắt lại nơi chứa “đồ”
Một kỹ thuật đang được các bác sĩ BV Việt Đức, Hà Nội áp dụng nhằm giảm cân cho các trường hợp quá khổ, đó là đặt vòng giảm béo.
PGS.TS.BS Trần Bình Giang, phó giám đốc BV Việt Đức, Hà Nội, một trong những người thực hiện kỹ thuật này khẳng định: “Đặt vòng thắt dạ dày không phải là phẫu thuật thẩm mỹ để giảm béo. Đây là phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh béo phì - một bệnh đang gia tăng nhanh và báo động ở nước ta, đặc biệt là người trẻ tuổi. Hầu hết bệnh nhân béo phì đều do ăn uống như ăn vặt nhiều, ăn đồ ăn nhanh, nước ngọt khiến năng lượng nạp vào quá cao”.
BS Trần Bình Giang chia sẻ, phẫu thuật chữa trị béo phì có nhiều phương pháp như cắt bớt dạ dày, đặt bóng dạ dày, thắt dạ dày, thậm chí sử dụng thuốc giảm cân… Tất cả đều dựa trên nguyên lý đơn giản là giảm hấp thu thức ăn vào cơ thể.
Tuy nhiên, mỗi phương pháp có những ưu, nhược điểm. Nội soi đặt vòng thắt dạ dày giảm béo là kỹ thuật dùng một chiếc đai đặt ở phần trên của dạ dày, tạo thành một túi nhỏ đựng thức ăn, khiến cho người bệnh thấy no nhanh hơn, không còn có nhu cầu ăn.
Ăn ít nhưng cơ thể vẫn cần năng lượng để tồn tại nên lượng mỡ dư thừa sẽ được sử dụng khiến trọng lượng cơ thể giảm đi nhanh chóng. Hơn nữa, quá trình theo dõi sau mổ bệnh nhân có thể điều chỉnh đai cho phù hợp.
Về nguyên tắc, đai thắt dạ dày sẽ nằm cả đời trong cơ thể bệnh nhân. Sau phẫu thuật bệnh nhân sẽ được tiếp tục “hưởng thụ” cuộc sống khá thoải mái. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, người bệnh phải có chế độ ăn uống phù hợp. Ăn 2 - 3 bữa/ngày, không ăn vặt; không vừa ăn, vừa uống, chỉ uống nước giữa bữa ăn; nhai kỹ, nhai chậm; không ăn thức ăn giàu chất dinh dưỡng dạng lỏng, nên ăn đồ luộc, hấp; có chế độ ăn đa dạng, phong phú.
Cũng theo BS Giang, kỹ thuật này chỉ áp dụng cho người béo phì trong độ tuổi 18 - 60. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật khi cơ thể quá khổ ảnh hưởng đến sức khoẻ gây các bệnh về hô hấp, gan nhiễm mỡ, bệnh về xương khớp, tim mạch. Kỹ thuật này cũng chống chỉ định với người không áp dụng mổ nội soi, mắc bệnh như suy tim, bệnh nhân loét dạ dày -tá tràng…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét