Thứ Năm, 4 tháng 6, 2015

Những hậu quả đáng sợ từ làm đẹp với silicon

Từ năm 1980-1990, silicon lỏng đã bị cấm sử dụng bơm trực tiếp vào cơ thể do gây ra nhiều biến chứng. Thế nhưng, vẫn có không ít người đã, đang sử dụng mà không biết đến những hậu quả khủng khiếp do silicon mang lại.
Tiến sĩ – bác sĩ Đỗ Quang Hùng, Phó trưởng khoa Tạo hình- Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cho rằng mong muốn ngày càng đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người nhưng không có nghĩa bất chấp cả tính mạng.
Silicon và những hậu quả nặng nề
Silicon (tên khoa học là Polydimethylsiloxane) được dùng rộng rãi trong y học ở nhiều dạng như chế tạo van tim, tạo hình ống (thông dạ dày, tiêm chích luồn trong mạch máu, dẫn lưu dịch não tủy…).
Silicon dạng gel có lớp bao phủ tạo thành túi độn để nâng ngực, nâng mông, tạo nên các miếng dán đắp lên vết sẹo nhỏ.
Silicon lỏng được xem là một thần dược trong những năm 1960 nên được chỉ định rộng rãi, tiện sử sụng, bơm vào những nơi teo lõm của cơ thể hay làm đầy khá tốt khi tiêm dưới da. Tuy nhiên, gần 30 năm nay, y học thế giới ghi nhận nhiều tai biến và di chứng nặng nề của silicon nên nó bị cấm sử dụng từ những năm 1980.
Ca tử vong đầu tiên do bơm silicon lỏng được ghi nhận vào năm 1983. Ngoài ra, phần lớn các bệnh nhân tử vong do biến chứng thuyên tắc phổi, viêm phổi, suy hô hấp nặng.
Y văn thế giới cho thấy, các biến chứng được ghi nhận ngày càng nhiều như bệnh hệ thống nặng, gây biến dạng xơ hóa xung quanh tiêm chích do sự dịch chuyển của dung dịch lỏng silicon, có thể gây viêm gan dạng hạt, viêm hạch bạch huyết, viêm khớp, bệnh lý mô liên kết… Ngày càng có nhiều bệnh lý được phát hiện gần đây do bơm silicon lỏng trước kia.
Tiêm silicon vào mô mỡ dưới da dễ gây biến chứng phổi trầm trọng, có thể suy hô hấp và tử vong. Nhiều trường hợp bơm silicon lỏng rồi bị suy hô hấp, choáng và tử vong vì biến chứng thuyên tắc phổi, xung huyết và xuất huyết phổi, viêm phổi cấp, và gây tổn thương lan tỏa toàn bộ các phế nang, suy hô hấp nặng.
Thông thường, 6-8 giờ sau khi bơm silicon lỏng, một số ít bệnh nhân thấy khó chịu, đau ngực. Sau đó, tim đập nhanh, huyết áp giảm dần và hôn mê. Khi đến bệnh viện, chụp phổi thấy trắng xóa hai bên phổi. Đây là biến chứng nặng và hầu hết đều tử vong.
Vẫn còn nhiều nạn nhân
Gần đây, không ít người vì thiếu hiểu biết nên bị dụ dỗ bơm “mỡ nhân tạo” và phải chịu tai biến do bơm silicon lỏng vào ngực, mông, má, mũi, môi, mu bàn tay, cơ quan sinh dục ngoài… Đây là các vùng thường gặp nhất khi khám về biến chứng silicon lỏng.
Những nguy hiểm chết người cấp thời khi tiêm silicon lỏng vào cơ thể, hoặc các di chứng phá hoại, tiêu hủy da trầm trọng sau 10 năm, 15 năm.
Những di chứng này không thể điều trị tận gốc vì silicon lỏng đã thâm nhiễm vào mô da lân cận, gây biến đổi màu sắc da, sưng tấy viêm đỏ gây đau nhức thường xuyên, gây biến dạng bộ phận cơ thể đã bơm silicon lỏng trước đây.
Mỗi năm, Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị và phẫu thuật cho hàng trăm ca dị ứng, viêm nhiễm hoặc nhiễm trùng mủ dạng ổ áp xe do bơm silicon lỏng ở nhiều thời điểm khác nhau: sau vài tuần, vài tháng, sau khi bơm lần thứ 2, lần thứ 3…
Tất cả các bệnh nhân đều do những người bơm dạo silicon thực hiện với giá vài triệu đồng so với độn túi ngực tốn gấp 10 lần… Cũng có bệnh nhân được bơm silicon tại các thẩm mỹ viện chỉ có chức năng chăm sóc da và massage, chủ cơ sở không có kiến thức y khoa.
Gần đây, một bệnh nhân 28 tuổi ở Đà Nẵng, được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM do viêm tấy, sưng đỏ hai bên ngực và vùng bụng trên rốn. Đây là hậu quả của 3 lần bơm silicon lỏng cách nhau 10 ngày.
Một lần bơm vào tháng 1.2011, sau đó nhiễm trùng áp xe mủ nên được bác sĩ tại Đà Nẵng nhiều lần rạch dẫn lưu thoát mủ. Dù tạm ổn, nhưng vẫn chưa trị dứt được nên phải đến Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị. Các bác sĩ phải mổ cắt bỏ phần mô viêm tấy, rửa sạch ổ áp xe do bơm silicon lỏng ô nhiễm. Khi được hỏi về người đã bơm cho mình, bệnh nhân cho biết họ đã bỏ trốn.
Thận trọng hơn với silicon
Trong trường hợp người thân vừa bơm silicon lỏng, sau khi bơm vài giờ, nếu thấy có các triệu chứng như đã nêu trên, người nhà nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu ngay. Khi rơi vào tình trạng này, tỉ lệ tử vong sẽ rất cao.
Khi làm đẹp, nên chọn bác sĩ có nhiều kinh nghiệm về chuyên ngành thẩm mỹ. Kiến thức và kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp các bạn chọn đúng phương pháp.
Không nghe lời dụ dỗ của những người tự xưng là chuyên gia thẩm mỹ nhưng không có kiến thức, không có pháp nhân hành nghề. Cần phân biệt phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ của bác sĩ với các thẩm mỹ viện chăm sóc da, hút mụn do các nhân viên hành nghề không có kiến thức y khoa.
Hiện nay, trên thị trường có một số chất làm đầy có khả năng thay thế silicon, được FDA (Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ) cho phép. Tuy nhiên, cũng nên thận trọng vì đây là những chất lỏng nhân tạo bơm vào cơ thể vẫn có khả năng gây dị ứng. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy có dịch vụ bơm cấy mỡ tự thân (lấy mỡ từ chính bệnh nhân, sau đó lọc và cấy lại cho bệnh nhân ở vùng mặt, mu tay, sẹo lõm, cấy nâng mũi…) có hiệu quả làm đầy mô rất tốt, không gây nhiều biến chứng.
Theo Nguyên Hạnh – Phụ nữ Online

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons