Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

Tiêm Botox - Nguy cơ kế tiếp sau túi silicon nâng ngực

Từ phong trào tiêm Botox ở Mỹ đến nâng mí mắt châu Á, hằng năm hàng triệu người trên thế giới đang thay đổi cơ thể nhờ phẫu thuật thẩm mỹ.

Bác sĩ phẫu thuật lấy túi nâng ngực có nguy cơ bị rò rỉ do PIP sản xuất ngày 21/9/2011 ở Nice
 miền đông nam nước Pháp - Ảnh: AFP 
 
Theo Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế (ISAPS), năm 2010 các phẫu thuật viên thẩm mỹ đã thực hiện khoảng 18,5 triệu ca toàn thế giới.
 
Theo tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho các phẫu thuật viên ở 93 quốc gia, Mỹ đứng đầu danh sách các nước phẫu thuật thẩm mỹ nhiều nhất với 3,3 triệu ca, sau đó là Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Con số thực có thể còn cao hơn nhiều do ISAPS chỉ khảo sát những bác sĩ có đăng ký hành nghề với nhà chức trách. Trong số đó, phổ biến nhất là bơm môi và nâng ngực.
 
Nguy cơ kế tiếp sau túi silicon nâng ngực
Botox là tên thương hiệu của sản phẩm Botulinum Toxin type A do Công ty Allergan của Mỹ sản xuất. Được mệnh danh là “thần dược của tuổi thanh xuân”, Botox có tác dụng xóa những nếp nhăn ở các vùng giữa hai chân mày, trán, đuôi mắt.
 
Tiêm Botox chống nhăn có thể sẽ là bê bối tiếp theo cho sức khỏe sau vụ 300.000 phụ nữ trở thành nạn nhân của túi nâng ngực dỏm PIP.
Một trong những sản phẩm được ưa chuộng nhất là chất độn da botox (có chứa độc tố botulinum). Nó được mệnh danh là “thần dược của tuổi thanh xuân” vì có tác dụng xóa nếp nhăn. Tuy nhiên, Botox đang trở thành mối nguy hại tiềm tàng không chỉ cho phụ nữ mà cho cả các đấng mày râu.
Tại Anh, ngoài Botox có hơn 160 loại thuốc chống nhăn da được cấp phép lưu hành. Các công ty sản xuất thậm chí còn bán các chất chống nhăn trực tuyến để bệnh nhân có thể tiêm tại nhà. Nigel Mercer, chuyên gia tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ và là cựu chủ tịch Hiệp hội Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Anh (BAAPS), đã cảnh báo về tình trạng mua bán và sử dụng tràn lan các chất chống nhăn da này.
Tờ The Times dẫn kết quả khảo sát của BAAPS cho biết 1/4 người tiêm thuốc chống nhăn có dấu hiệu biến chứng. Báo Huffington Post dẫn lời ông Jan Poell, chủ tịch ISAPS, cho biết ông đã “chứng kiến nhiều người bị sụp mí mắt hoặc không thể mở mắt tại Đài Loan và Đông Âu”.
 
Chuyên gia Sally Taber, giám đốc dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khỏe Anh, cảnh báo các chất tiêm chống nhăn có thể gây ra một vụ bê bối tương tự túi nâng ngực PIP. Và “nếu chúng ta không hành động, các chất độn da sẽ là thảm họa kế tiếp”.
Tháng 1/2012, báo cáo của Hội Nghiên cứu gây mê quốc tế cũng cho thấy tác dụng phụ của Botox ảnh hưởng tới các vùng cơ và bắp thịt khác trên cơ thể. Các chuyên gia thuộc Viện khoa học thần kinh của Hội đồng Nghiên cứu quốc gia Ý cho biết các độc tố có trong botox ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây tổn thương não.
Năm 2009, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ từng lên tiếng cảnh báo Botox có thể dẫn đến tử vong khi chất này lan khắp cơ thể.
Nhiều phụ nữ bị mê hoặc bởi tác dụng thần kỳ của Botox - Ảnh: Huffington Post

Lằn ranh giữa làm đẹp và sức khỏe
 
Theo ông Jan Poell, vấn đề thật sự hiện nay trên thế giới là rất nhiều người không được đào tạo bài bản trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ lại được dùng dao kéo hay can thiệp tới cơ thể làm người khác đẹp hơn.
 
Các bác sĩ bình thường cũng có thể phẫu thuật ngực hay bơm môi mà không cần được đào tạo, hay những chuyên gia làm đẹp có thể bơm Botox cho bệnh nhân một cách hợp pháp. Đó là lý do dẫn tới những thảm họa đến từ những cuộc phẫu thuật không thành công.
Ngày 27/1 tại Paris (Pháp) sẽ diễn ra hội nghị quốc tế về lão khoa. Các nhà nghiên cứu sẽ công bố báo cáo về các biến chứng liên quan tới việc bơm hóa chất vào da làm mờ các vết nhăn để thúc giục các nhà chức trách đưa ra quy định chặt chẽ hơn trong lĩnh vực thẩm mỹ. Theo nhà chức trách Pháp, khoảng 0,1-1% bệnh nhân chịu các biến chứng khi thực hiện phương pháp làm đẹp này.
Để đối phó với những hành vi liều lĩnh của cả bác sĩ và bệnh nhân, ISAPS đã thực hiện chương trình giáo dục nâng cao nhận thức và bảo hiểm cho khách hàng phẫu thuật ở nước ngoài để họ có thể nhận điều trị nếu gặp biến chứng khi là bệnh nhân của phẫu thuật viên thuộc ISAPS. Một quy tắc như ông Poell nói là những người muốn làm đẹp cần phải cảnh giác trước các cuộc phẫu thuật giá rẻ bất ngờ vì “tiền nào của nấy”.
Trong khi đó, nhà chức trách Anh đang xem xét khả năng thắt chặt hơn nữa hoạt động của ngành công nghiệp thẩm mỹ, để đảm bảo các cuộc phẫu thuật sẽ do những người thật sự có kỹ thuật thực hiện.
Phó giáo sư Alexander Edmonds của DDJ Amsterdam, tác giả cuốn sách Hiện đại một cách xinh đẹp: sắc đẹp, tình dục và phẫu thuật thẩm mỹ ở Brazil, cho rằng do các bác sĩ mặc áo blouse trắng - biểu tượng của sức khỏe - thực hiện phẫu thuật nên một bệnh nhân có thể đã coi thường nguy cơ từ phẫu thuật thẩm mỹ.
 
Ông cho biết một phụ nữ ở Scotland đã viết đơn kiến nghị, yêu cầu chính phủ cấm các bác sĩ thực hiện phẫu thuật ngực sau khi bà bị biến chứng. Việc cấy túi nâng ngực ai cũng hiểu là gây đau đớn, mất cảm giác khiến mô ngực bị cứng và có nguy cơ viêm nhiễm nghiêm trọng.
Một lập luận khác phản đối bác sĩ thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ là hành động này vi phạm lời thề Hippocrates khi ẩn chứa nguy hiểm cho con người thay vì chữa trị hay ngăn chặn bệnh tật. Tuy nhiên, việc cấm phẫu thuật thẩm mỹ chỉ có thể thực hiện được nếu được thực thi trên toàn thế giới do nhiều người đi ra nước ngoài để điều trị và làm đẹp.
Một số ca làm đẹp ngực cũng nằm ở lằn ranh giữa đảm bảo chức năng cho ngực và đảm bảo tính thẩm mỹ. Khi con người chỉ muốn biết đến cái đẹp sau khi phẫu thuật thẩm mỹ thì họ sẽ không nhìn thấy nguy cơ lớn với sức khỏe của mình. “Đó mới chính là một nguy cơ lớn” - Alexander Edmonds cho biết.
Theo Hạnh Nguyên, Đông Phương - Tuổi Trẻ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons